Doanh nghiệp có trách nhiệm phải hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế trước khi làm thủ tục giải thể tại phòng đăng ký kinh doanh. Vậy cách thức thực hiện và trình tự thực hiện thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế khi giải thể thế nào?
Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế khi giải thể là gì?
Căn cứ theo khoản 12 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019 quy định như sau:
Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế là việc nộp đủ số tiền thuế phải nộp, số tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.
Như vậy, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế là việc nộp đủ số tiền thuế phải nộp, số tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.
Công ty cần làm những gì khi quyết toán thuế để giải thể?
Pháp luật quy định doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Khi quyết toán thuế để giải thể, doanh nghiệp phải:
- Gửi đề nghị đến cơ quan thuế để kiểm tra quyết toán thuế của doanh nghiệp mình tại cơ quan thuế.
- Tiến hành quyết toán những khoản thuế phát sinh trong quá trình hoạt động và trong quá trình quyết toán thuế.
- Nộp các khoản thuế, thực hiện thủ tục đóng mã số thuế để hoàn thành quyết toán thuế.
- Nhận quyết định hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Như vậy, doanh nghiệp cần tiến hành các thủ tục quyết toán thuế với cơ quan thuế để hoàn thành nghĩa vụ thuế và tiếp tục quá trình giải thể công ty của mình.
Xem thêm: Phân biệt hình thức phá sản và giải thể doanh nghiệp
Thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi giải thể
Nộp hồ sơ
– Trước khi nộp hồ sơ, doanh nghiệp tiến hành thủ tục thanh lý tài sản trước khi làm thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế khi giải thể.
– Sau khi thanh lý hết tài sản, doanh nghiệp liên hệ với cơ quan thuế để làm thủ tục hủy hóa đơn giá trị gia tăng.
– Đối với doanh nghiệp có các đơn vị trực thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) thì phải tiến hành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế của các đơn vị trực thuộc trước khi doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực mã số thuế
LƯU Ý:
– Trường hợp đơn vị chủ quản gửi hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế nhưng các đơn vị trực thuộc chưa thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì cơ quan thuế quản lý đơn vị chủ quản có trách nhiệm thông báo cho đơn vị chủ quản, đơn vị trực thuộc, cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị trực thuộc. Các đơn vị trực thuộc phải thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế trước khi đơn vị chủ quản chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
– Sau khi đơn vị chủ quản chấm dứt hoạt động, nếu đơn vị trực thuộc vẫn tiếp tục hoạt động thì đơn vị trực thuộc phải thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế trực tiếp quản lý để được cấp mã số thuế mới hoặc chuyển đổi theo quy định tại Điều 23 Thông tư số 95/2016/TT-BTC. Trường hợp đơn vị chủ quản đã chấm dứt hiệu lực mã số thuế mà đơn vị trực thuộc vẫn sử dụng mã số thuế 13 số theo mã số thuế của đơn vị chủ quản đều bị coi là sử dụng mã số thuế không hợp pháp.
– Sau khi hoàn thành các thủ tục trên, doanh nghiệp nộp hồ sơ hoành thành nghĩa vụ thuế trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan quản lý thuế trực tiếp của doanh nghiệp; nộp phí, lệ phí (nếu có) và nhận giấy biên nhận giải quyết hồ sơ.
Thời hạn giải quyết
Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của người nộp thuế, cơ quan thuế thực hiện Thông báo người nộp thuế ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số. Đồng thời chuyển trạng thái của người nộp thuế và các đơn vị trực thuộc của người nộp thuế về trạng thái “NNT ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế” trên Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế.
Trong thời gian này, doanh nghiệp phải thực hiện nộp các hồ sơ liên quan và quyết toán các nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Nhận kết quả
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan thuế và cơ quan hải quan hoặc cơ quan thuế hoàn thành việc chuyển toàn bộ nghĩa vụ thuế của đơn vị trực thuộc sang đơn vị chủ quản theo quy định, cơ quan thuế ban hành Thông báo người nộp thuế chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
Thành phần hồ sơ thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi giải thể
- Quyết định giải thể;
- Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan nếu doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu ;
- Biên bản họp (đối với trường hợp doanh nghiệp tự giải thể);
- Bản sao Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định của Toà án có hiệu lực (đối với trường hợp giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo
- Quyết định của tòa án).