Kinh doanh xăng dầu là một trong những hoạt động được nhà nước thúc đẩy sử dụng hóa đơn điện tử từ sớm. Vậy hóa đơn điện tử bán xăng dầu có cần ký số của người mua và người bán hay không? FastCA sẽ giải thích rõ trong bài viết dưới đây.
Hóa đơn điện tử bán xăng dầu có cần ký số không?
Theo điểm c khoản 14 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định đối với hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng.
Như vậy, nếu người mua xăng dầu là khách hàng cá nhân mua với mục đích sử dụng trong đời sống và không kinh doanh thì doanh nghiệp xăng dầu không cần ký số.
Nội dung trên hóa đơn điện tử dịch vụ cung cấp xăng dầu
Về nội dung trên hóa đơn điện tử, tại Khoản 1, Điều 6 của Thông tư 32/2011/TT-BTC đã quy định bao gồm:
“a) Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu, số thứ tự hóa đơn;
Ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu, số thứ tự trên hóa đơn thực hiện theo quy định tại Phụ lục số 1 Thông tư số 153/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính.b) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;
c) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua;
d) Tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hoá, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ.
Đối với hóa đơn giá trị gia tăng, ngoài dòng đơn giá là giá chưa có thuế giá trị gia tăng, phải có dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền phải thanh toán ghi bằng số và bằng chữ.
e) Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán; ngày, tháng năm lập và gửi hóa đơn. Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán.”
Với dịch vụ kinh doanh xăng dầu, hóa đơn điện tử cũng bao gồm những nội dung như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, đối với khách hàng cá nhân không kinh doanh, một số nội dung có thể được loại bỏ theo quy định tại Điểm c, Khoản 14, Điều 10 trong Nghị định số 123/2020. Cụ thể là những nội dung sau:
– Tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn: Khách hàng cá nhân không kinh doanh không cần có các thông tin này trên hóa đơn điện tử.
– Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua: Các thông tin này có thể không cần thiết khi giao dịch với khách hàng cá nhân không kinh doanh.
– Chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng: Các thông tin này cũng có thể không cần yêu cầu khi phát hành hóa đơn điện tử cho khách hàng cá nhân không kinh doanh.
Tuy nhiên, những nội dung còn lại trên hóa đơn điện tử vẫn phải được bảo đảm và đầy đủ để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật liên quan đến việc xuất hóa đơn điện tử.
Thời điểm lập hóa đơn điện tử bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ
Theo Bộ Tài chính, đã có cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng hoá đơn với trường hợp bán lẻ xăng dầu đã khá đầy đủ. Theo đó, khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử nêu rõ: Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Cùng với đó, điểm i khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP 19/10/2020 của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ quy định: Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.