Cuối năm nhiều doanh nghiệp có phần thưởng tết cho người lao động. Tuy nhiên nhiều bạn chưa rõ tiền thưởng tết có phải đóng thuế thu nhập cá nhân hay không?
Tiền thưởng Tết có phải đóng thuế TNCN không?
Căn cứ quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán thuộc trường hợp phải chịu thuế thu nhập cá nhân, trừ các khoản tiền thưởng sau đây:
– Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, cụ thể:
- Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua như Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chiến sĩ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến, Chiến sỹ tiên tiến.
- Tiền thưởng kèm theo các hình thức khen thưởng.
- Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu do Nhà nước phong tặng.
- Tiền thưởng kèm theo các giải thưởng do các Hội, tổ chức thuộc các Tổ chức chính trị, Tổ chức chính trị – xã hội, Tổ chức xã hội, Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Trung ương và địa phương trao tặng phù hợp với điều lệ của tổ chức đó và phù hợp với quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
- Tiền thưởng kèm theo giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước.
- Tiền thưởng kèm theo Kỷ niệm chương, Huy hiệu.
- Tiền thưởng kèm theo Bằng khen, Giấy khen.
– Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.
– Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.
– Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, khoản tiền thưởng Tết 2024 mà người lao động được nhận phải chịu thuế thu nhập cá nhân; đồng nghĩa phải tính đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định nêu trên.
Tiền thưởng Tết có phải đóng bảo hiểm xã hội?
Tại Khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH nêu rõ, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như:
– Tiền thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, tiền thưởng sáng kiến;
– Tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;
– Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Thêm vào đó, Công văn 560/LĐTBXH-BHXH ngày 6.2.2018 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động không bao gồm tiền lương tháng thứ 13 và tiền thưởng theo đánh giá kết quả công việc hàng năm.
Như vậy, tiền thưởng của người lao động làm việc tại doanh nghiệp (bao gồm tiền thưởng lương tháng thứ 13 và tiền thưởng theo đánh giá kết quả công việc hàng năm) không làm căn cứ để tính đóng BHXH.
Hướng dẫn cách tính thuế TNCN từ tiền thưởng tết
Người sử dụng lao động thưởng tết, thưởng lương tháng 13 cho người lao động vào tháng nào thì sẽ cộng thêm khoản đó và lương của tháng đó (tháng dương lịch) rồi tính thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Công thức tính thuế thu nhập cá nhân: Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Trong đó:
Thu nhập tính thuế = ( Tổng thu nhập – các khoản được miễn thuế) – Các khoản được giảm trừ.
Thuế suất sẽ được tính theo phương pháp lũy tiến từng phần:
Bậc | Phần thu nhập tính thuế/năm | Phần thu nhập tính thuế/tháng | Thuế suất |
1 | Đến 60 triệu đồng | Đến 5 triệu đồng | 5% |
2 | Trên 60 – 120 triệu đồng | Trên 05 – 10 triệu đồng | 10% |
3 | Trên 120 – 216 triệu đồng | Trên 10 – 18 triệu đồng | 15% |
4 | Trên 216 – 384 triệu đồng | Trên 18 – 32 triệu đồng | 20% |
5 | Trên 384 – 624 triệu đồng | Trên 32 – 52 triệu đồng | 25% |
6 | Trên 624 – 960 triệu đồng | Trên 52 – 80 triệu đồng | 30% |
7 | Trên 960 triệu đồng | Trên 80 triệu đồng | 35% |
Tính thuế thu nhập cá nhân theo phương pháp rút gọn:
Bậc | Thu nhập tính thuế (triệu đồng – trđ)/tháng | Thuế suất | Tính số thuế phải nộp | |
Cách 1 | Cách 2 | |||
1 | Đến 5 trđ | 5% | 0 trđ + 5% TNTT (thu nhập tính thuế) | 5% TNTT |
2 | Trên 05 – 10 trđ | 10% | 0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ | 10% TNTT – 0,25 trđ |
3 | Trên 10 – 18 trđ | 15% | 0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ | 15% TNTT – 0,75 trđ |
4 | Trên 18 – 32 trđ | 20% | 1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ | 20% TNTT – 1,65 trđ |
5 | Trên 32 – 52 trđ | 25% | 4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ | 25% TNTT – 3,25 trđ |
6 | Trên 52 – 80 trđ | 30% | 9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ | 30 % TNTT – 5,85 trđ |
7 | Trên 80 trđ | 35% | 18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ | 35% TNTT – 9,85 trđ |
Trong trường hợp người lao động không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên thì phải khấu trừ tại nguồn 10% trước khi trả thu nhập.